Theo công ty giám sát thị trường Cru Group, Châu Âu, Ấn Độ và Trung Quốc là ba khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của việc tăng giá cáp quang lần này. Nguyên nhân vì sự thiếu hụt và thời gian giao hàng cáp quang kéo dài. Giá cáp quang được ghi nhận tăng 70% so với mức thấp kỷ lục vào tháng 3/2021, từ 3,7 USD lên 6,3 USD cho mỗi km cáp quang.
Việc thiếu hụt cáp quang đang diễn ra có thể bắt nguồn từ một số yếu tố khác nhau, từ nhu cầu tăng mạnh (tiêu thụ tăng 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái) đến sự thiếu hụt các thành phần chính trong quá trình sản xuất, chẳng hạn như khí helium và silicon tetrachloride.
Cáp quang là một thành phần cơ bản trong tất cả các dự án cơ sở hạ tầng lớn, từ băng thông rộng tốc độ cao đến 5G và cáp ngầm làm nền tảng cho các dịch vụ của các công ty công nghệ lớn nhất thế giới. Các vấn đề hiện tại cũng sẽ tác động đến sự phát triển của các cơ sở trung tâm dữ liệu mới, cản trở các kế hoạch mở rộng giữa các công ty VPN, lưu trữ đám mây, lưu trữ web và những thứ tương tự.
Được biết, sợi quang học là một vật liệu thủy tinh rắn mảnh và mềm. Nó bao gồm ba phần: lõi, lớp giữa và lớp ngoài, đồng thời có thể được sử dụng như một công cụ truyền ánh sáng. So với kim loại đồng được sử dụng trong cáp truyền thống, cáp quang có khoảng cách truyền dẫn xa hơn và băng thông cao. Vì vậy, chúng đang dần thay thế dây đồng làm vật liệu chính để truyền tải mạng.
Khái niệm sợi quang ra đời vào năm 1966 bởi người Mỹ gốc Hoa Kao và Hockham. Sau đó vào năm 1970, tập đoàn Corning của Mỹ lần đầu tiên phát triển thành công sợi quang với mức suy hao 20dB/km và kỷ nguyên của liên lạc bằng sợi quang bắt đầu.