Theo công ty nghiên cứu Counterpoint, doanh số smartphone của Trung Quốc đã giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái vào năm 2022, đạt mức thấp nhất trong 10 năm. Theo Canalys, đây cũng là lần đầu tiên doanh số bán điện thoại của Trung Quốc giảm xuống dưới 300 triệu chiếc sau 10 năm. Ngay cả trong tháng 12/2022, thời điểm từng chứng kiến doanh số bán hàng tăng vọt theo mùa trong lịch sử, Trung Quốc đã ghi nhận doanh số bán smartphone giảm 5% so với quý trước.
Chính sách nghiêm ngặt “Zero Covid” kéo dài ba năm đã làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của Trung Quốc và làm giảm niềm tin của người tiêu dùng, cùng với những khó khăn về kinh tế vĩ mô đã đặt dấu chấm hết cho những năm tăng trưởng hai con số của Trung Quốc. Rắc rối gia tăng khi việc nới lỏng đột ngột các hạn chế do Ccovid-19 vào đầu tháng 12 dẫn đến số ca nhiễm tăng đột biến, gây thêm áp lực cho nền kinh tế đang suy yếu. Năm ngoái, GDP của Trung Quốc tăng trưởng 3%, thấp nhất trong nhiều thập kỷ trừ năm 2020.
Mùa mua sắm hàng năm của Alibaba vào tháng 11 đã đưa ra một số manh mối về sức mạnh chi tiêu đang suy yếu của người dân Trung Quốc. Sự kiện 11/11, ví như Black Friday của Trung Quốc, đã chứng kiến doanh số sụt giảm lần đầu tiên kể từ khi nó ra mắt vào năm 2009, và đây được coi là hồi chuông cảnh báo về nhu cầu tiêu dùng của người dùng Trung Quốc. Được biết, sự kiện này đã không tiết lộ doanh số bán hàng.
Bất chấp doanh số ảm đạm, vẫn có một công ty thành công tại Trung Quốc. Theo Canalys, Apple đã kết thúc năm với thị phần cao nhất mọi thời đại là 18% nhờ “các chương trình khuyến mãi rầm rộ” và nhu cầu “kiên cường” trong phân khúc cao cấp ở Trung Quốc. Sự trỗi dậy của Apple trùng hợp với việc Huawei mất dần vị thế trên thị trường thiết bị cầm tay cao cấp do các lệnh trừng phạt của Mỹ đã cắt đứt quyền tiếp cận của công ty này với các chip cao cấp.
Mối quan hệ của Apple với Trung Quốc vẫn là một mối quan hệ tế nhị. Đất nước này không chỉ là một trong những thị trường lớn nhất mà còn là xương sống sản xuất giúp Apple trở thành công ty giá trị nhất thế giới hiện nay. Tuy nhiên, trong vài năm qua, sự gián đoạn liên quan đến Covid-19 đã khiến Apple phải suy nghĩ lại về chiến lược chuỗi cung ứng của mình. Tạp chí Phố Wall đã đưa tin vào đầu tháng 12/2022 rằng Apple đang tìm cách chuyển một số chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc sang các khu vực khác của châu Á, bao gồm cả Việt Nam và Ấn Độ.
Đặc biệt, Ấn Độ dự kiến sẽ đóng một vai trò lớn hơn trong chuỗi cung ứng của Apple khi công ty có kế hoạch mở rộng năng lực sản xuất tại quốc gia này để sản xuất 25% tổng số iPhone vào năm 2025, theo các nhà phân tích của JP Morgan.
Trong quý 4/2022, các thương hiệu smartphone hàng đầu ở Trung Quốc theo lô hàng là Apple, Vivo, Oppo, Honor (đã tách khỏi Huawei) và Xiaomi.