Gái già lắm chiêu V đưa khán giả vào Bạch Trà Viên nguy nga xứ Huế – nơi nhà giàu giành nhau cả báu vật lẫn tình yêu. Còn Bố già rẽ vào hẻm sâu Sài Gòn ngập nước – nơi nhà nghèo đùm bọc nhau bằng cả tình thương lẫn những lời chửi bới.
Hai bộ phim có bối cảnh, tông màu hoàn toàn khác nhau nhưng đều được chế tác kỹ và cùng có chủ đề gia đình. Hai bộ phim có hiệu ứng truyền miệng tốt đến mức nhà phát hành chiếu sớm luôn từ ngày 5-3, dù lịch ra rạp chính thức là 12-3.
Cũng chính hai bộ phim Việt đang làm sống lại bầu không khí “đua nhau ra rạp” – điều tưởng chừng tê liệt sau vài đợt COVID-19. Về kinh phí, Bố già công bố 1 triệu USD (23 tỉ đồng), Gái già lắm chiêu V công bố 2 triệu USD (46 tỉ đồng).
Bố già – phim nhà nghèo và xung đột thế hệ
Bố già được tiên đoán sẽ là cơn lốc tại phòng vé tháng 3, dự kiến sẽ sớm đạt doanh thu 100 tỉ đồng. Khả năng này đến từ số lượng suất chiếu cao nhất rạp (gần 7.000 suất từ ngày 5 đến 8-3, số liệu Tuổi Trẻ thu thập riêng). Dù vậy, suất chiếu Bố già chưa hẳn áp đảo khi Gái già lắm chiêu V có gần 6.000 suất trong cùng khoảng thời gian trên.
Để đạt được kỷ lục phòng vé trên 200 tỉ đồng như êkip Bố già kỳ vọng, một phim cần có lượng suất chiếu gấp đôi, gấp ba các phim đối thủ, như Tiệc trăng máu từng có hơn 10.000 suất chiếu trong dịp cuối tuần đầu tiên.
Về nội dung, khá trái khoáy khi gọi Bố già là “phim nhà nghèo” nhưng đó là chủ đề, bối cảnh của phim. Phim xoay quanh những người dân lao động trong một con hẻm nhỏ Sài Gòn, họ không quá thiếu thốn, cơ cực nhưng đều làm việc tay chân.
Nhân vật chính Ba Sang (Trấn Thành) phá sản ở tuổi trung niên, làm công việc giao gạo. Ông hài lòng với cuộc sống bên hai con Quắn (Tuấn Trần), Bù Tọt (Ngân Chi) và các anh chị em ruột đều sống trong hẻm.
Thế nhưng, Quắn là thanh niên có chí hướng riêng. Anh muốn kiếm tiền, bán nhà hẻm, mua chung cư cao cấp để cải thiện cuộc sống. Điều này mâu thuẫn với tâm lý an phận, gắn kết gia đình của ông Ba Sang nên hai cha con nhiều lần cãi vã nảy lửa.
Bố già chọn một câu chuyện phổ biến với mọi gia đình: xung đột thế hệ, sự lẫn lộn giữa yêu thương và ghét bỏ, kỳ vọng và thất vọng, ích kỷ và cao thượng giữa những người thân trong gia đình. Đây là câu chuyện “toàn cầu” nên sẽ gợi được sự đồng cảm của đông đảo người xem, còn bối cảnh cũng dễ tạo thiện cảm với khán giả.
Nhược điểm của Bố già là phim không mạnh về ngôn ngữ điện ảnh, vẫn còn chất web-drama, truyền hình. Phim khá thừa thãi các cảnh one-shot (cảnh quay không ngắt) để phô diễn khả năng diễn xuất của dàn diễn viên và các “cú lật” bi kịch để câu nước mắt.
Gái già lắm chiêu V – sự giả dối của giới siêu giàu
Theo cách nói của các nhân vật trong Gái già lắm chiêu V, hẳn họ thuộc giới siêu giàu. Từ quý bà buôn đồ cổ Lý Lệ Hà (Lê Khanh) đến nữ doanh nhân trẻ mới nổi Lý Linh (Kaity Nguyễn) đều thản nhiên nói về những món đầu tư hàng chục triệu USD như thể mớ rau, con cá.
Trong báo cáo Thịnh vượng 2021 (Wealth Report) của Knight Frank, Việt Nam có 390 người siêu giàu (sở hữu từ 30 triệu USD trở lên). Cuộc sống của họ đằng sau mặt báo, bên trong những tòa nhà chọc trời hoặc biệt phủ nguy nga là chủ đề gây tò mò cho dư luận. Bộ phim đánh vào khoảng trống đó trong điện ảnh Việt.
Gái già lắm chiêu V là nỗ lực nghiêm túc của cặp đạo diễn Bảo Nhân – Nam Cito khi khắc họa góc khuất và đời sống tinh thần của giới siêu giàu một cách sắc sảo, “trong cuộc” hơn so với Gái già lắm chiêu 3 và so với phần đông phim Việt lâu nay.
Nhân vật của Lê Khanh là “phú bà” quyền lực với hệ thống nguyên tắc kỳ quặc do chính bà lập nên để tôn vinh bản thân cùng sự kín kẽ, giả tạo, mạnh mẽ bề ngoài để che giấu sự yếu đuối và khao khát tình cảm bên trong. Còn nhân vật của Kaity Nguyễn đại diện cho những “rick kid” giỏi giang nhờ nghị lực bản thân và sự hậu thuẫn của gia đình, kiêu hãnh và tham vọng đến ngang ngược.
Gái già lắm chiêu V không còn là hài tình cảm như các phần trước đó mà là phim tâm lý đúng nghĩa, với những đoạn thoại khá sâu sắc và diễn xuất chắc chắn của dàn diễn viên. Phim khá hoàn thiện về thể loại và có ngôn ngữ điện ảnh, dù khâu xây dựng nhân vật một số chỗ chưa tốt và cũng hơi nhiều cảnh one-shot.
Điểm đáng tiếc của Gái già lắm chiêu V không nằm ở bản thân bộ phim mà ở bối cảnh xã hội. Thương hiệu “Gái già lắm chiêu” gắn với sự sang trọng, xa hoa, thậm chí phô trương của giới nhà giàu mới nổi, nhưng phim lại ra mắt vào thời hậu COVID-19 – thời đoạn của nhiều nỗi niềm cần chia sẻ hơn là lối sống hưởng thụ.
Theo Tuổi Trẻ Online