OpenAI đã ra mắt một công cụ mới trong ChatGPT nhằm giúp người dùng khám phá các chủ đề sâu sắc hơn. Được đặt tên một cách phù hợp là “Deep Research”, công cụ này có chức năng tương tự với tính năng cùng tên của Google Gemini. OpenAI tuyên bố rằng Deep Research trong ChatGPT có thể hoàn thành những gì một con người cần hàng giờ để làm chỉ trong vài chục phút.
Đối tượng sử dụng là ai?
Deep Research nhắm đến đối tượng người dùng ChatGPT cần thực hiện các công việc đòi hỏi kiến thức chuyên sâu. Với khả năng tổng hợp và phân tích dữ liệu từ hàng trăm nguồn trực tuyến, công cụ này có thể tạo ra các báo cáo toàn diện ở cấp độ chuyên gia phân tích.
Ngoài ra, Deep Research còn giúp người dùng đưa ra quyết định mua sắm thông thái cho các sản phẩm quan trọng như ô tô, thiết bị gia dụng hay nội thất thông qua việc cá nhân hóa các đề xuất dựa trên nghiên cứu kỹ lưỡng.
OpenAI cho biết công cụ này được hỗ trợ bởi phiên bản sắp ra mắt của mô hình o3, được tối ưu hóa cho việc duyệt web và phân tích dữ liệu. Deep Research có khả năng tìm kiếm, diễn giải và phân tích số lượng lớn văn bản, hình ảnh và tệp PDF trên Internet, đồng thời thích ứng linh hoạt với thông tin mới.
Để đảm bảo tính minh bạch, Deep Research sẽ cung cấp đầy đủ tài liệu tham khảo từ các nguồn sử dụng, kèm theo bản tóm tắt về quá trình suy luận, giúp người dùng dễ dàng kiểm chứng thông tin.
Cách sử dụng Deep Research trong ChatGPT?
Hiện tại, Deep Research hiện chỉ dành riêng cho người dùng ChatGPT Pro và sẽ sớm mở rộng cho người dùng Plus và Team. Để sử dụng, bạn chỉ cần chọn “Deep Research” trong khung soạn tin nhắn và nhập câu hỏi. Bạn cũng có thể tải lên bảng tính hoặc tệp bổ sung để cung cấp thêm ngữ cảnh.
Khi công cụ hoạt động, một thanh bên sẽ hiển thị tóm tắt các bước và nguồn tham khảo. Thời gian hoàn thành dao động từ 5-30 phút và bạn sẽ nhận thông báo khi quá trình nghiên cứu kết thúc. Trong vài tuần tới, OpenAI sẽ bổ sung thêm tính năng nhúng hình ảnh, biểu đồ và kết quả phân tích để tăng tính trực quan cho báo cáo.