Giữa đại dịch Covid-19, người lao động di cư làm việc trong nhà máy chip bị cấm di chuyển, bị dọa sa thải và phạt hành chính nếu không may nhiễm bệnh.
Đài Loan hiện là nhà cung cấp chip tiên tiến lớn nhất thế giới. Đợt bùng phát Covid-19 đầu tháng 5 tại đây làm dấy lên lo ngại các nhà máy sẽ ngừng hoạt động, khiến khủng hoảng chip trầm trọng thêm.
Dù vậy, cách những công ty phản ứng trước đại dịch lại nêu bật một thực trạng đáng buồn khác: đó là chèn ép người lao động, phân biệt đối xử với công nhân Đông Nam Á di cư.
Theo Financial Times, tính đến tháng 4 năm nay, 713.000 lao động di cư – chủ yếu từ Philippines, Thái Lan, Indonesia… – đã làm việc tại Đài Loan, chiếm 8% lực lượng lao động của vùng lãnh thổ này. Hơn 60% làm việc trong các nhà máy, bao gồm cả những nhà máy sản xuất linh kiện điện tử hàng đầu chuỗi cung ứng.
Vì được yêu cầu phải cung cấp chỗ ở và thức ăn cho người lao động di cư, các công ty hầu hết thuê ngoài công nhân thông qua dịch vụ môi giới để giữ chi phí thấp nhất có thể. Trung bình từ 4 – 12 công nhân phải ở chung một phòng.
Nhà môi giới lao động có nhiều cách khiến công nhân phải phục tùng. Họ đe dọa: “Nếu qua đời, thi thể của các bạn sẽ bị hỏa táng ở Đài Loan ngay lập tức, gia đình không được nhận xác và tiền gửi về. Nếu vượt qua được, các bạn sẽ chịu trách nhiệm cho mọi chi phí cách ly, tiền chăm sóc y tế, và chi trả khoản tiền tương tự cho những người đã tiếp xúc với bạn”.
Cuộc điều tra gần đây của Telegraph cho thấy công ty Siliconware Precision Industries (SPIL) – một đơn vị của nhà máy đóng gói và thử nghiệm chip lớn nhất thế giới ASE – đang cấm công nhân di cư rời khỏi ký túc xá.
Phỏng vấn với nhân viên và kết hợp xem xét 20 tài liệu nội bộ, Telegraph phát hiện công nhân ở SPIL không chỉ bị nhốt trong ký túc xá mà còn bị dọa phạt tài chính, bị sa thải nếu để bị nhiễm bệnh. Công ty này sử dụng hệ thống thẻ quẹt điện tử để tiến hành khóa cửa ký túc xá. Bên trong ký túc xá có dán thông báo: “Cấm ra ngoài, đi chơi và tụ tập”.
Một nhân viên người Philippines cho biết công nhân phải về ký túc xá trong vòng 1 giờ sau khi tan ca. Ai không về kịp sẽ phải ở ngoài và bị tra hỏi. Theo lời người này, công nhân cũng bị cấm đánh răng trong ca làm việc 12 giờ. Cô nói: “Chúng tôi giống như bị bỏ tù. Mọi hoạt động đều bị công ty kiểm soát”.
ASE khẳng định vẫn để công nhân tự do đi lại và chỉ làm theo quy định của Bộ Lao động và Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC). Việc cấm đánh răng được áp dụng trên toàn nhà máy vì vấn đề vệ sinh. Bên cạnh đó, ASE cho biết sẽ trợ cấp tài chính cho nhân viên trong thời gian giãn cách.
Compeq Manufacturing – công ty chuyên sản xuất bảng mạch – cũng là một trong số những doanh nghiệp hạn chế công nhân di chuyển. Theo quy định nội bộ, công nhân chỉ được ra ngoài mỗi ngày 1 lần, tối đa 90 phút, phải ngừng qua lại với những người bạn không thuộc Compeq. Tuy nhiên, Compeq phủ nhận thông tin này.
Phân biệt đối xử với lao động di cư
Lệnh hạn chế công nhân đi lại chủ yếu nhắm vào người lao động di cư. Chính quyền địa phương đã đóng cửa các ký túc xá của 4 nhà máy ở phía tây bắc Đài Loan, khiến người lao động di cư đến từ các nước như Philippines, Indonesia, Thái Lan… bị mắc kẹt tại xứ người.
Lennon Wong – nhà hoạt động xã hội tại Hiệp hội Phục vụ Nhân dân cho rằng các biện pháp phòng chống đại dịch đang làm nổi bật sự phân biệt đối xử có hệ thống đối với người lao động nước ngoài. Lennon Wong nhấn mạnh tình trạng chủ lao động nhốt công nhân di cư đang trở nên cực kỳ phổ biến. Người này bức xúc: “Việc đóng cửa không phải để chống dịch vì nó không khoa học. Làm sao có thể ngăn virus nếu chỉ cấm người di cư?”.
Không dừng lại ở việc nhốt người lao động nhập cư, các công ty còn dọa “trừng phạt” công nhân nếu họ bị nhiễm bệnh. SPIL dán thông báo bên trong ký túc xá: “Nếu công ty bị thiệt hại do lỗi của nhân viên, nhân viên đó sẽ phải bồi thường và bị phạt theo quy định”.
Công ty Cameo Communications thì đưa văn bản yêu cầu người lao động ký tên và chấp nhận phạt tài chính khi không tuân thủ giãn cách và mắc bệnh. Văn bản yêu cầu nhân viên chịu trách nhiệm cho những thiệt hại mà công ty phải gánh chịu, ví dụ làm tổn hại hình ảnh công ty.
Tuy nhiên, Cameo giải thích tài liệu này chỉ là hình thức. Họ không có ý định trốn tránh trách nhiệm phòng chống dịch bệnh và yêu cầu người lao động bồi thường.
John Eastwood – đối tác tại công ty luật Eiger cho biết việc khóa cửa ký túc xá và phạt tài chính là “không thể bào chữa theo luật Đài Loan”, đề nghị chủ lao động nên đưa ra các biện pháp khuyến khích thay vì đe dọa để giảm thiểu lây lan Covid-19.
Ông Tseng Wen-hsueh – một nhà lập pháp ở huyện Miêu Lật thuộc Đài Loan chỉ trích những biện pháp này. Ông nói: “Lý do mà công nhân di cư có nguy cơ lây nhiễm cao hơn là do họ phải sống trong các ký túc xá đông đúc. Chúng ta không nên nhắm vào quốc tịch của họ mà hãy giải quyết vấn đề thực tế”.
Theo quy định của CDC, người lao động di cư vẫn có thể đi ra ngoài trong đại dịch khi có nhu cầu. Nếu bị phát hiện nhốt công nhân trong ký túc xá, các công ty phải chịu trách nhiệm hình sự và có thể bị tước giấy phép thuê lao động nước ngoài.
Một công nhân người Philippines than thở: “Những người di cư chúng tôi đóng góp rất nhiều cho nền kinh tế Đài Loan. Thực sự rất đau lòng. Họ không đối xử công bằng với chúng tôi. Chúng tôi cũng là con người”.
Theo Thanh Niên