Apple vốn nổi tiếng với sự cứng rắn trong các cuộc đàm phán và chiến lược kinh doanh của mình, vẫn phải đối mặt với một thách thức lớn tại Indonesia. Chính phủ quốc gia Đông Nam Á này đã ra lệnh cấm bán mẫu iPhone 16 trong nước, buộc Apple phải đối mặt với yêu cầu đầu tư lớn chưa từng có. Đây là lần thứ hai trong năm nay công ty này phải tăng khoản đầu tư của mình tại Indonesia, và lần này, số tiền mà chính phủ yêu cầu đã tăng vọt lên 1 tỷ USD.
Sự việc bắt đầu khi chính phủ Indonesia nhận thấy rằng Apple chưa thực hiện đúng cam kết đầu tư vào nền kinh tế địa phương. Dù Apple đã chi 109 triệu USD cho các dự án phát triển, nhưng chính phủ Indonesia cho rằng số tiền này là chưa đủ. Theo yêu cầu của Bộ Công nghiệp Indonesia, công ty cần phải đầu tư thêm 14 triệu USD để đủ điều kiện cấp chứng nhận IMEI (International Mobile Equipment Identity) để các thiết bị di động có thể được bán hợp pháp tại nước này.
Việc thiếu hụt 14 triệu USD đã dẫn đến quyết định cấm bán iPhone 16 trên toàn quốc. Để đối phó với tình hình này, Apple đã đưa ra đề xuất tăng khoản đầu tư sản xuất lên 100 triệu USD, gấp 10 lần so với mức đầu tư ban đầu là 10 triệu USD. Đây là một động thái mạnh mẽ nhằm đáp ứng yêu cầu từ chính phủ Indonesia và đảm bảo sự hiện diện của iPhone 16 tại thị trường này. Tuy nhiên, chính phủ Indonesia cho rằng mức đầu tư này vẫn chưa đủ.
Mới đây, chính phủ Indonesia đã đưa ra yêu cầu gây “sốc” với Apple: khoản đầu tư mà họ yêu cầu từ Apple đã lên tới 1 tỷ USD và phải được hoàn tất trong vòng 1 tuần. Đây là một yêu cầu đầy thách thức đối với Apple, nhất là khi Indonesia là một thị trường quan trọng với dân số khoảng 280 triệu người và nền kinh tế đang ngày càng phát triển.
Với yêu cầu đầu tư lên tới 1 tỷ USD, Indonesia rõ ràng đang nắm trong tay thế mạnh đàm phán, buộc Apple phải tính toán lại chiến lược của mình tại thị trường này. Bằng cách yêu cầu Apple đầu tư lớn vào nền kinh tế, chính phủ muốn đảm bảo rằng quốc gia này sẽ trở thành một trung tâm sản xuất và tiêu thụ công nghệ lớn tại khu vực.
Hiện tại, Apple chưa đưa ra bình luận chính thức về yêu cầu này, nhưng giới quan sát đang chờ đợi động thái tiếp theo từ “gã khổng lồ” công nghệ. Điều này sẽ không chỉ ảnh hưởng đến chiến lược kinh doanh của Apple tại Indonesia mà còn tác động đến toàn bộ chiến lược sản xuất và cung ứng toàn cầu của công ty.