Các nhà sản xuất ô tô đang cảnh giác với các giải pháp công nghệ “tất cả trong một” của Huawei.
Việc Huawei Technologies tập trung vào lĩnh vực ô tô thông minh đã làm dấy lên lo ngại về mô hình hợp tác của công ty với các nhà sản xuất ô tô trong nước. Kể từ khi chuyển hướng gia nhập ngành công nghiệp ô tô của Trung Quốc sau một loạt lệnh trừng phạt từ thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, Huawei đã công bố mối quan hệ hợp tác xe điện thông minh với Tập đoàn Công nghiệp Sokon Trùng Khánh, Ô tô Trường An Trùng Khánh (Chongqing Changan Automobile), BAIC BluePark New Energy Technology và GAC Group, qua đó nhấn mạnh vai trò là nhà cung cấp các giải pháp lái xe thông minh hoặc các thành phần phần cứng và phần mềm.
Theo Nikkei, tại Hội nghị thượng đỉnh hệ sinh thái công nghệ ô tô Trường An tổ chức hôm 24.8, Chủ tịch Zhu Huarong của Trường An cho biết việc hợp tác với nhà cung cấp pin EV CATL sẽ tạo điều kiện thuận lợi để ra mắt mẫu xe thông minh đầu tiên vào cuối năm nay. Mẫu xe này sẽ được trang bị “Huawei Inside” (HI), giải pháp ô tô thông minh của Huawei cung cấp khả năng hoạt động cho các phương tiện có chức năng phần mềm như lái xe tự động, và phần cứng bao gồm lidar, radar sóng milimet, bảng điều khiển tập trung.
Mặc dù giải pháp tất cả trong một khiến Huawei trở thành đối tác hấp dẫn, nhưng những người trong ngành theo sát sự chuyển hướng của hãng viễn thông Trung Quốc đã chỉ ra thách thức liên quan đến quyền sở hữu công nghệ. Chủ tịch SAIC Motor Chen Hong trong cuộc họp cổ đông vào ngày 30.6 so sánh một chiếc ô tô với giải pháp công nghệ “tất cả trong một” từ nhà cung cấp duy nhất như Huawei cũng giống như “một cơ thể không có linh hồn”, với ngụ ý rằng các công ty trong ngành ô tô có thể sẽ không sẵn sàng ký kết với nhà cung cấp không có quyền kiểm soát phần mềm.
Tạo dựng một thương hiệu ô tô cao cấp là một quá trình phức tạp từ quan điểm kỹ thuật hệ thống. Một người trong ngành muốn giấu tên nói với Caixin rằng, Huawei không sản xuất ô tô của riêng mình và kiên quyết duy trì một nhà cung cấp, điều này đặc biệt gây khó khăn cho các công ty đang hy vọng nâng cấp hình ảnh thương hiệu thông qua quan hệ đối tác với Huawei. Thông thường, các thương hiệu ô tô cao cấp luôn cố gắng thu hút khách hàng thông qua khả năng khác biệt hóa sản phẩm, và đây cũng có thể là một thách thức khác cho dự án ô tô thông minh của Huawei khi một số công ty ô tô cùng chung một nhà cung cấp.
Huawei và Sokon đã công bố mẫu SUV điện Seres SF5 tại Triển lãm ô tô Thượng Hải hồi tháng 4.2021. Chiếc xe này dựa trên một mẫu ô tô cũ được ra mắt vào tháng 4.2019, mang nhãn hiệu “Huawei Smart Selection”, có các bộ phận và giải pháp hệ thống lái thông minh của Huawei. Được biết, Seres SF5 đã nhận được khoảng 3.000 đơn đặt hàng trong vòng hai ngày trước khi bắt đầu mở bán chính thức.
Tuy nhiên, hiện các đơn hàng đó vẫn chưa được thực hiện hết. Đơn vị xe điện trực thuộc Sokon đã giao 1.226 chiếc SF5 trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 7.2021, theo số bảo hiểm ô tô do Caixin quan sát. Một người quen thuộc với vấn đề cho biết Huawei sẽ tiếp tục làm việc với đơn vị Seres để cải tiến sản phẩm hiện tại hoặc ra mắt các mẫu xe mới. Đồng thời, Huawei cũng thực hiện một cuộc thay đổi quản lý tại đơn vị giải pháp xe hơi thông minh của mình vào cuối tháng trước, loại bỏ giám đốc cấp cao Su Qing vì đã đưa ra “nhận xét không phù hợp” về hồ sơ an toàn về tính năng tự lái của Tesla và các loại xe tự lái nói chung.
Theo Báo Thanh Niên