Người Mỹ đang bị mắc kẹt trong một dịch bệnh cô đơn. Trên khắp đất nước, mọi người đang có ít tương tác xã hội hơn, dành nhiều thời gian ở một mình và ít các mối quan hệ chất lượng. Những xu hướng này không chỉ là một hậu quả của đại dịch COVID-19. Trong khi vài năm gần đây, bùng nổ AI đã góp phần thúc đẩy cuộc khủng hoảng sức khỏe tinh thần. Đồng thời khiến giới trẻ có xu hướng chọn lối sống đơn độc.
Một báo cáo từ bác sĩ phẫu thuật Hoa Kỳ cho thấy rằng các hoạt động kết nối xã hội ở mọi người đều đang giảm. Họ đã nhận thấy tác động sức khỏe của việc gia tăng sự cô đơn này với việc hút 12 điếu thuốc mỗi ngày là tương đồng.
Làn sóng cô lập này đang gia tăng đặc biệt nghiêm trọng ở những người trẻ tuổi. Cụ thể, thời gian mà người Mỹ trong độ tuổi từ 15-24 dành cho bạn bè đã giảm đáng kể trong hai thập kỷ qua. Theo báo cáo của bác sĩ phẫu thuật, từ mức trung bình 2,5 giờ/ngày giảm còn 40 phút/ngày.
Bùng nổ AI thúc đẩy mọi thứ tệ hơn
Việc bùng nổ AI có nguy cơ làm cho cuộc khủng hoảng cô đơn này trở nên tồi tệ. Điều này diễn ra trước bối cảnh, việc phát hành ChatGPT của OpenAI vào cuối năm 2022. Nó đã dẫn đến sự bùng nổ AI với mối quan tâm về khả năng tích hợp các chatbot vào cuộc sống của chúng ta.
Derek Thompson, một nhà văn của The Atlantic, cho rằng AI trong hiện tại chủ yếu là một trò giải trí, lãng phí thời gian. Điều đó có thể đúng, nhưng như các công nghệ trước đây đã cho chúng ta thấy, điều quan trọng là phải nắm bắt được những cách mà AI có thể thay đổi cuộc sống của chúng ta trước khi nó trở nên phổ biến.
Chúng ta đã thấy sự phụ thuộc vào công nghệ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của chúng ta như thế nào. Giờ đây, việc bùng nổ AI với chatbot và các chương trình khác có thể thay đổi hoàn toàn cách chúng ta tương tác, kết nối và xây dựng cộng đồng.
Một cuộc khảo sát gần đây của Trung tâm nghiên cứu Pew cho thấy, một trong những mối quan tâm hàng đầu của người Mỹ với AI là “sự thiếu kết nối của con người”. Thời gian của chúng ta tồn tại trên trái đất là có hạn. Mặc dù sự tiện lợi của AI có thể mang lại nhiều lợi ích, nhưng nó không thể thay thế thời gian chúng ta dành cho người thân khi họ đang sống.
Bùng nổ AI tạo nên đời sống giả lập
Caryn Marjorie, một người có hơn 1,8 triệu người theo dõi trên Snapchat, gần đây đã phát hành CarynAI – một “trải nghiệm AI nhập vai” bao gồm các video của Marjorie. Cô ấy nói sẽ cung cấp “bạn gái ảo” cho những người sẵn sàng trả 1 đô la mỗi phút.
Theo trang web của Marjorie, chatbot hỗ trợ GPT-4 sao chép giọng nói và tính cách của Marjorie đến mức có cảm giác như “bạn đang nói chuyện trực tiếp với chính Caryn”. Cô ấy cho biết mục tiêu phát triển hình mô hình AI này là để “chữa khỏi sự cô đơn” cho nam giới – những người đã theo dõi và ủng hộ cô ấy.
Một vấn đề rõ ràng là lượng thời gian người dùng dành cho các chatbot như CarynAI ngày càng tăng. Nhiều người hâm mộ đã dành hàng giờ mỗi ngày để chia sẻ những suy nghĩ và cảm xúc thân mật với bot.
Ở diễn biến khác, một chatbot AI khác tên Replika, được tiếp thị cho những người “cô đơn, chán nản hoặc có ít kết nối xã hội” đã ra mắt vào năm 2017. Công ty đứng sau Replika đã có hơn 10 triệu người dùng đăng ký và chatbot nhận được hàng triệu tin nhắn mỗi tuần.
Bùng nổ AI khiến Gen Z cô đơn
GenZ đang dành ít thời gian hơn cho nhau trong thế giới thực. Vào cuối những năm 1970, hơn một nửa số học sinh trung học gặp bạn bè mỗi ngày, nhưng tỷ lệ này đã giảm xuống chỉ còn 28% vào năm 2017. Ngày nay, những người trẻ tuổi lang thang trong không gian vô hạn của Internet ngay cả khi họ đang đỗ xe trong tầng hầm hoặc trong toilet.
Thậm chí, GenZ có khuynh hướng tìm kiếm các mối quan hệ với các hình mẫu do AI tạo ra. Những người trẻ tuổi cũng ít tham gia các hoạt động xã hội truyền thống hơn như: thường xuyên ăn tối cùng gia đình, tham gia các buổi lễ tôn giáo hoặc chơi thể thao. Trong một nghiên cứu năm 2021, cho thấy chỉ 38% Gen Z lớn lên có bữa ăn hàng ngày cùng gia đình. Ngược lại, hơn 3/4 (76%) những người thuộc thế hệ bùng nổ dân số cho biết họ đã dùng bữa hàng ngày với gia đình khi còn nhỏ.
Các bác sĩ tâm lý cùng chuyên gia đã nói rằng phương tiện truyền thông xã hội có “nguy cơ gây hại sâu sắc” đối với sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên. Việc bùng nổ AI khiến tình trạng này vốn đã trở nên tồi tệ dần nghiêm trọng hơn trong những năm gần đây.
Cách nào để giải quyết vấn đề?
Điều này không có nghĩa là không có cơ hội để AI làm phong phú cuộc sống của chúng ta. Con người có thể sáng tạo và sử dụng trí tuệ nhân tạo một cách có ý thức hơn. Đồng thời, ứng dụng nó vào quá trình trị liệu tinh thần, thúc đẩy mọi người có động lực kết nối với thế giới bên ngoài.
Chatbot AI có thể kết nối những người cô đơn với nhau trong nỗ lực thúc đẩy các kết nối cá nhân? Hãy tưởng tượng một chatbot AI xác định những người có cùng sở thích hoặc nhu cầu, sau đó giới thiệu và khuyến khích họ tương tác xã hội trong thế giới thực. Hãy coi nó như một người bạn chung. Thay vì sử dụng nó để tước đi nhân tính của người dùng, công nghệ AI nên là công cụ kết nối xã hội.
Không ai đi qua cuộc đời mà không bao giờ cảm thấy cô đơn. Đó là một trải nghiệm cơ bản và phổ quát của con người. Mục tiêu không phải là trốn tránh những cảm xúc này, mà là sử dụng những trải nghiệm này để đưa ra quyết định của chúng ta về cách chúng ta muốn sống và điều gì thực sự quan trọng đối với chúng ta.
Giải pháp cho sự cô đơn không phải là phát triển những trò giải trí xã hội ngày càng thông minh, mà là ra ngoài, tiếp xúc và kết nối với vạn vật.