Video lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội hôm 20/4 xuất hiện cho thấy hai nhân viên Trung Quốc tại gian hàng Mini nói với những người tham dự người gốc Hoa rằng kem miễn phí đã hết, trước khi lấy một hộp kem ra khỏi thùng lạnh và đưa cho một người đàn ông nước ngoài ngay sau đó.
Đoạn video đã gây ra một cơn bão phẫn nộ trên internet Trung Quốc, nơi người dùng đả kích BMW vì rõ ràng đã ưu đãi cho người nước ngoài. Một số kêu gọi tẩy chay hãng xe này và khiến giá trị cổ phiếu của BMW hôm sau bị sụt giảm mạnh và bốc hơi 2,1 tỷ EUR.
Trước phản ứng của cộng đồng, Mini Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố cho biết “Do quản lý nội bộ cẩu thả và nhân viên lơ là nhiệm vụ, chúng tôi đã gây ra cảm giác khó chịu cho mọi người. Chúng tôi chân thành xin lỗi vì điều đó”, đồng thời cho biết thêm rằng công ty sẽ cải thiện hoạt động đào tạo. Mặc dù vậy, tuyên bố này vẫn không thể làm dịu được sự tức giận của công chúng – vốn vẫn tiếp tục được đưa ra thảo luận trên mạng xã hội.
Để tránh khiến sự việc leo thang, Mini Trung Quốc đã đưa ra một lời xin lỗi khác khi nói rằng những người nước ngoài trong video lấy kem là nhân viên của họ. Công ty cho biết họ đã phát 300 hộp kem mỗi ngày cho khách đến thăm gian hàng của mình vào thứ Ba và thứ Tư của tuần trước, đồng thời cũng dành một số lượng nhỏ cho nhân viên của mình. Công ty tuyên bố “Bốn hoặc năm người nước ngoài mà bạn thấy trong video là đồng nghiệp của chúng tôi. Họ cũng đeo huy hiệu nhân viên của mình”.
Cũng theo Mini, công chúng nên hiểu hơn về hai nữ nhân viên Trung Quốc đã phát kem, nói rằng họ còn trẻ và thiếu kinh nghiệm. Nhưng lời giải thích không thể chấm dứt tranh cãi. Trên Weibo, hashtag “BMW MINI apologizes”, tạm dịch “BMW MINI xin lỗi”, đã được xem 530 triệu lần. Một số hashtag bắt đầu bằng # và cụm từ có liên quan khác cũng đang là xu hướng trên danh sách tìm kiếm nóng của nền tảng này.
Khi người tiêu dùng Trung Quốc trở nên giàu có hơn, xe BMW đã trở thành biểu tượng của sự giàu có và địa vị xã hội. Vào năm 2010, một thí sinh trong chương trình hẹn hò thực tế nổi tiếng của Trung Quốc đã tuyên bố “Tôi thà khóc trong xe BMW còn hơn cười trên xe đạp” – một hành động thể hiện chủ nghĩa vật chất này đã trở thành một trò cười trên mạng.
Nhà sản xuất ô tô Đức gia nhập danh sách ngày càng nhiều các thương hiệu toàn cầu bị công chúng Trung Quốc chỉ trích hoặc bị tẩy chay vì nhiều lý do khác nhau. Giới chuyên gia cho rằng điều này bắt nguồn từ “Lòng yêu nước gần như đã trở thành một phản ứng bản năng” của người dân nơi đây.
Trung Quốc là thị trường lớn nhất của BMW và vượt qua Mỹ khoảng một thập kỷ trước. Năm ngoái, Tập đoàn BMW đã giao 792.000 xe cho Trung Quốc, so với 362.000 xe cho Mỹ và 878.000 xe cho châu Âu.
Trong những năm gần đây, các thương hiệu lớn của phương Tây đã phải đối mặt với sự giám sát ngày càng tăng ở Trung Quốc, nơi người tiêu dùng ngày càng nhạy cảm với những hành vi coi thường trong bối cảnh tinh thần dân tộc chủ nghĩa đang gia tăng do chính phủ cổ vũ.