Khi giá tấm wafer 3nm bắt đầu tăng, việc sản xuất hàng loạt chip A17 Bionic sẽ trở nên tốn kém hơn, buộc Apple phải trả phí bảo hiểm và chuyển những khoản tăng đó cho khách hàng cuối.
Mặc dù không có dữ liệu về chi phí của TSMC cho một tấm wafer 4nm, nhưng DigiTimes báo cáo rằng quy trình chip của TSMC đã tăng dần lên qua mỗi năm liên tiếp. Vào năm 2020, giá tấm wafer quy trình 5nm là 16.000 USD, và với quy trình 3nm, giá mỗi tấm wafer sẽ lên mức 20.000 USD cho mỗi khách hàng, bao gồm cả Apple. Ngay cả khi khách hàng béo bở nhất của TSMC thương lượng giảm giá, vẫn có những yếu tố bên ngoài có thể quyết định giá của iPhone 15, chẳng hạn như lạm phát toàn cầu.
A17 Bionic được cho là sẽ được sản xuất hàng loạt trên quy trình N3E của TSMC, một bước tiến từ kiến trúc N3, nhằm mang lại hiệu suất tốt hơn và hiệu quả năng lượng được cải thiện. Thật không may, chi phí sản xuất chip này sẽ đắt hơn, điều này có nghĩa chip cho iPhone 15 Pro và 15 Ultra sẽ đắt hơn A16 Bionic. Trên thực tế, Apple được cho là đã trả gấp đôi số tiền cho A16 Bionic so với A15 Bionic, có thể do chuyển từ 5nm sang 4nm.
Theo báo cáo mới cho biết, A16 Bionic tiêu tốn của Apple khoảng 110 USD để sản xuất, tức là hơn 10% giá bán lẻ của iPhone 14 Pro tại Mỹ. Việc tăng giá của A17 Bionic ước tính sẽ rơi vào khoảng 150 USD, và điều này có thể buộc iPhone 15 Pro phải vượt qua rào cản 999 USD, khiến người tiêu dùng khó có thể chạm tay vào các mẫu cao cấp hơn. Tuy nhiên, Apple có kế hoạch mang lại nhiều tính năng độc quyền hơn cho dòng sản phẩm đắt tiền vào năm tới, vì vậy đó vẫn có thể là động lực để người dùng chọn các mẫu cao cấp.
Đối với những người đã sở hữu iPhone 14 Pro hoặc 14 Pro Max, người dùng không được khuyến cáo nâng cấp lên các mẫu mới ngay vào năm sau mà tốt nhất hãy chờ ít nhất hai thế hệ trước khi chọn một chiếc iPhone hàng đầu. Khi mà kinh tế thế giới đang gặp khó khăn, mọi người nên tập tiết kiệm.