Hôm 10/1, Đại học Y Maryland (Mỹ) cho biết một nhóm bác sĩ phẫu thuật đã cấy ghép thành công tim của một con lợn biến đổi gen vào ngực của một người đàn ông 57 tuổi nhiều năm bị bệnh tim nặng.
Đây là một quy trình phẫu thuật chưa từng có trong lịch sử và thể hiện hy vọng cho hàng nghìn bệnh nhân đang chờ được cấy ghép. Theo các bác sĩ của trường đại học, cuộc phẫu thuật kéo dài 8 giờ để cấy ghép thành công một quả tim lợn vào người lần đầu tiên đã được thực hiện vào hôm 7/1.
Phát biểu về trái tim mới được cấy ghép, giám đốc Trung tâm Y tế Đại học Maryland, Bartley Griffith cho biết: “Nó tạo ra mạch, nó tạo ra áp lực, đó là trái tim của anh ấy”. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng “chúng ta không biết ngày mai sẽ mang lại điều gì. Điều này chưa từng được thực hiện trước đây”.
Về phần bệnh nhân David Bennett, anh không còn cách nào khác là phải đánh cược vào phương pháp điều trị mới bởi bệnh nhân không còn đủ thời gian để có thể nhận được một trái tim của con người. Theo các quan chức bệnh viện, Bennett cho biết: “Trái đã chết và cần được cấy ghép. Tôi muốn sống. Tôi biết đó là rất nguy hiểm nhưng đó là lựa chọn cuối cùng của tôi”.
Báo cáo từ United Network for Organ Sharing cho biết vào năm ngoái, 41.354 người Mỹ đã nhận được cấy ghép một số cơ quan trên cơ thể, nhưng vì số lượng cơ quan hiến tặng không phải lúc nào theo kịp với nhu cầu để lấy nội tạng khỏe mạnh, nhiều người đã phải chết khi đang chờ được cấy ghép.
Để bù đắp cho sự mất cân bằng giữa cung và cầu nội tạng, kể từ những năm 1960, các bác sĩ đã dùng đến cái gọi là “cấy ghép xenotransplants”, sử dụng ghép hoặc cấy ghép các cơ quan hoặc mô từ động vật sang người. Vào tháng 10 năm ngoái, một ca phẫu thuật chưa từng có tiền lệ khác đã ghép thành công một quả thận từ lợn sang người cho một bệnh nhân.
Trái tim cấy ghép của Bennett đến từ một con lợn có 10 biến đổi gen được thực hiện bởi công ty y học tái tạo Revivicor, ở Blacksburg (Mỹ). Trong số bốn gen bị ức chế hoặc bất hoạt có một gen mã hóa một phân tử gây ra phản ứng tích cực của hệ thống miễn dịch của con người.