Perplexity AI, một công cụ tìm kiếm thông minh được ra mắt vào năm 2022, đang nổi lên như đối thủ tiềm năng của Google với khả năng cung cấp câu trả lời trực tiếp thay vì danh sách liên kết. Công ty này vừa gây chú ý với chiến lược minh bạch về thu thập dữ liệu cho trình duyệt sắp ra mắt của mình.
Trong buổi phỏng vấn trên podcast TBPN, CEO của Perplexity Aravind Srinivas đã công khai tiết lộ rằng một trong những động lực chính để Perplexity phát triển trình duyệt riêng là nhằm theo dõi và thu thập triệt để mọi hoạt động của người dùng, kể cả khi họ không sử dụng ứng dụng. Mục đích cuối cùng là thu thập tối đa dữ liệu để phục vụ việc bán quảng cáo cao cấp.
Srinivas giải thích rằng Perplexity sẽ giám sát các hoạt động như địa điểm truy cập, thời gian lướt web, các trang người dùng ghé thăm và mọi hành động khác trong lẫn ngoài trình duyệt. Đáng chú ý là ông còn cho rằng người dùng nên chấp nhận việc bị theo dõi vì điều này sẽ giúp họ nhận được những quảng cáo phù hợp hơn.
Mặc dù những tuyên bố này có vẻ táo bạo, chúng thực chất phản ánh mô hình kinh doanh mà các gã khổng lồ công nghệ như Google và Meta đã áp dụng – theo dõi người dùng trên khắp không gian mạng để phục vụ quảng cáo mục tiêu. Đây cũng chính là lý do Bộ Tư pháp Hoa Kỳ muốn buộc Google bán Chrome, do sự độc quyền trong lĩnh vực quảng cáo.
Ngành kinh doanh trình duyệt mang lại lượng dữ liệu khổng lồ và doanh thu đáng kể nhờ vào quảng cáo được nhắm mục tiêu chính xác. Đây là lý do OpenAI muốn thâu tóm Chrome và Perplexity đang bắt đầu hợp tác với các nhà sản xuất smartphone như Motorola và Moto AI để tích hợp sâu hơn với trợ lý AI của mình.
Trong bối cảnh các quy định về khai thác dữ liệu vẫn còn mơ hồ, những thách thức về quyền riêng tư và vi phạm bản quyền ngày càng trở nên rõ rệt. Các vụ việc như tranh cãi về sử dụng hình ảnh của Studio Ghibli gần đây đã làm suy giảm niềm tin vào các tập đoàn công nghệ lớn.