Nghiên cứu được thực hiện bởi Felix Krause, một nhà nghiên cứu quyền riêng tư và cựu kỹ sư của Google, cho thấy hoạt động theo dõi này có thể thu thập về những gì mà mọi người nhập trên điện thoại của họ khi truy cập các trang web bên ngoài. Từ đó, kẻ gian có thể biết được số thẻ tín dụng và mật khẩu mà người dùng nhập vào trình duyệt.
Felix Krause cho biết, trong khi các công ty công nghệ lớn có thể sử dụng các trình theo dõi như vậy khi họ thử nghiệm phần mềm mới, tuy nhiên họ thường không cung cấp tính năng này trên một ứng dụng thương mại chính thức. Nhà nghiên cứu này cho rằng việc bàn phím trên ứng dụng TikTok có thể giám sát các lần nhấn phím thực sự có vấn đề vì người dùng có thể nhập dữ liệu nhạy cảm của họ như thông tin đăng nhập trên các trang web bên ngoài.
Cũng theo Krause, anh không thể xác định liệu các lần gõ phím có được theo dõi tích cực và liệu dữ liệu đó có được gửi đến TikTok hay không.
Phản ứng trước cáo buộc, TikTok cho biết trong một tuyên bố rằng báo cáo của Krause là “không chính xác và gây hiểu lầm” bởi đó là tính năng được sử dụng để “gỡ lỗi, xử lý sự cố và giám sát hiệu suất”. Công ty thuộc sở hữu của ByteDance cho biết: “Trái ngược với tuyên bố của báo cáo, chúng tôi không thu thập thông tin gõ phím hoặc đầu vào văn bản thông qua mã này”.
Bất chấp mục đích của hoạt động là gì, báo cáo của Krause khiến nhiều người cảm thấy lo lắng trong bối cảnh những lo ngại liên quan đến ứng dụng này ngày càng nhiều. Các nhà lãnh đạo của Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ đã kêu gọi một cuộc điều tra về việc liệu các quan chức chính phủ Trung Quốc có được quyền truy cập vào dữ liệu về những người Mỹ sử dụng trong nền tảng video ngắn này hay không.
Trong một lá thư gửi cho chủ tịch Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) Lina Khan, Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Mark Warner và Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Marco Rubio đã thúc giục bà xem xét kỹ lưỡng việc TikTok bảo vệ dữ liệu cá nhân tốt như thế nào.