Trong bức thư được gửi đi hôm 29/6, ông Carr cho rằng TikTok đã chứng minh rằng họ không thể tin tưởng được với việc bảo vệ thông tin mà người dùng cung cấp, vì vậy cần loại bỏ nó.
Ông Carr đã đăng một bức thư ngỏ gửi cho cả Google và Apple trên tài khoản Twitter của mình, nơi ông kêu gọi các công ty loại bỏ ứng dụng TikTok khỏi các cửa hàng ứng dụng của họ. Ông Carr trích dẫn nhiều trường hợp công ty thu thập lượng lớn dữ liệu, bao gồm cả chính phủ Trung Quốc gần đây được phát hiện truy cập dữ liệu người dùng Mỹ bất chấp việc TikTok tuyên bố rằng họ giữ thông tin người dùng Mỹ trên các máy chủ đặt tại Mỹ để tránh xa con mắt tò mò của chính phủ Trung Quốc. Carr cho biết trong lá thư của mình rằng cả Apple và Google nên xóa TikTok khỏi các cửa hàng ứng dụng, nếu không thực hiện họ cần phải gửi cho ông lá thư trước ngày 8.7 để giải thích cho lý do từ chối.
TikTok thuộc sở hữu của công ty ByteDance của Trung Quốc. Trong bức thư của mình, Carr cho biết ứng dụng xã hội cực kỳ phổ biến này đã được tải xuống 19 triệu lần trên cả nền tảng của Google và Apple chỉ trong quý 1/2022, và điều đó đặt ra nguy cơ an ninh quốc gia không thể chấp nhận được, đặc biệt khi Trung Quốc đang ngày càng mở rộng việc giám sát.
Cả Google và Apple đều không đưa ra phản hồi về cáo buộc của Carr. Còn phát ngôn viên TikTok đã không đưa ra một tuyên bố nào về bức thư của Carr mà thay vào đó cho biết sẽ làm việc với các nhà lập pháp để chứng minh về các báo cáo sai lệch của BuzzFeed.
TikTok is not just another video app.
That’s the sheep’s clothing.It harvests swaths of sensitive data that new reports show are being accessed in Beijing.
I’ve called on @Apple & @Google to remove TikTok from their app stores for its pattern of surreptitious data practices. pic.twitter.com/Le01fBpNjn
— Brendan Carr (@BrendanCarrFCC) June 28, 2022
Được biết, Carr là ủy viên FCC được bổ nhiệm dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Ông thừa nhận bức thư của mình chưa được thảo luận sâu với các thành viên khác trong ủy ban FCC, đồng thời cho biết không có kỳ vọng cao về việc một trong hai công ty sẽ kiểm duyệt ứng dụng TikTok vì “mối quan hệ sâu sắc đối với chuỗi cung ứng mà Apple và Google có với Trung Quốc”. Tuy nhiên, ông hy vọng các công ty sẽ nhìn nhận vấn đề một cách trung lập thông qua việc áp dụng các chính sách của họ.
Ông Carr cũng trích dẫn các báo cáo năm 2020 rằng TikTok đã thu thập được dữ liệu người dùng liên tục bằng cách phá vỡ các biện pháp bảo vệ của Google và ăn cắp mật khẩu cũng như tin nhắn cá nhân từ các thiết bị iOS. TikTok đã đồng ý trả 92 triệu USD vào năm 2021 để thu thập một lượng lớn thông tin cá nhân và dữ liệu người dùng, sau đó gửi nó đến các máy chủ của Trung Quốc.
Mặc dù bức thư của Carr không có mối đe dọa pháp lý thực sự đằng sau nó, nhưng lời nói của Carr giúp thu hút sự chú ý đến câu trả lời của TikTok đối với những lo ngại trước đây của các nhà lập pháp về cách nhà sản xuất ứng dụng xử lý dữ liệu người dùng. Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã cố gắng cấm TikTok, sau đó tìm cách yêu cầu ByteDance bán TikTok cho một đối tác Mỹ.