Nếu Nhật Bản có Otaku, Hàn Quốc có fandom K-pop hay US/UK sở hữu các hội nhóm fanclub thần tượng với số lượng thành viên toàn cầu khổng lồ thì ngay tại Việt Nam cũng có những bản sắc văn hóa thần tượng rất riêng được phát triển theo từng giai đoạn phát triển của nước nhà.
Tuy khác nhau ở tên gọi hay bản sắc, các hội nhóm thần tượng ở Việt Nam và trên toàn thế giới cũng đã góp phần không nhỏ trong việc thay đổi các suy nghĩ theo lối mòn không còn phù hợp với thời đại cũng như thúc đẩy các phong trào xã hội định hình nét tính cách độc đáo, nâng cao dân trí cho giới trẻ hiện tại. Cùng xem giới trẻ Việt Nam đã thừa hưởng được gì từ văn hóa thần tượng nước nhà nhé.
Thời kỳ trước khi có Internet – Văn hóa thần tượng tính cách
Có lẽ thế hệ Gen Y tại Việt Nam không còn xa lạ gì những cảnh tượng ông bà, cha mẹ “trực chiến” bên chiếc radio hay tivi thế hệ cũ để nghe, xem những vở tuồng, bài hát đầy tính hoài niệm. Họ gần như có thể dành thời gian ở suốt bên chiếc điện đài để nghe thần tượng của họ cất lời ca, tiếng hát và họ cũng cứ thế ngân nga theo – hình ảnh rất thân thuộc với bất kỳ gia đình nào trong thời kỳ kinh tế mới.
Thậm chí, ông bà còn thần tượng cả tính cách nhân vật mà các diễn viên, đào hát thể hiện; thời đó, diễn viên diễn vai ác sẽ bị “đóng đinh” tính cách đó ra đến ngoài đời. Thời gian này, thông tin hoàn toàn phụ thuộc vào truyền thông chính thống, các bài viết ca ngợi hoặc đánh giá nhân cách các ca sĩ, diễn viên đều được thế hệ ông bà, cha mẹ lấy làm thước đo chuẩn mực cho hình ảnh con trai, con gái của thời đại trước.
Chuẩn mực cái đẹp về nhân cách, tôn trọng những giá trị đẹp của con người qua ứng xử, cử chỉ lịch thiệp của những người làm nghệ thuật chính là văn hóa thần tượng của thế hệ fan ngày trước.
Thời kỳ Internet du nhập – Văn hóa thần tượng hình ảnh
Thế hệ GenX qua đi để lại những giá trị về chuẩn mực văn hóa cái đẹp ứng xử của thế hệ thần tượng ngày trước cho Gen Y. Trong thời gian này, Internet bắt đầu du nhập và thế hệ Y có thể tiếp cận những nền tảng kết nối mới khiến phong trào văn hóa thần tượng được xây dựng theo một hướng khác biệt hơn, không còn phụ thuộc vào truyền thông chính thống và phân biệt được giá trị thật-ảo, chuyên tâm hơn vào giá trị giải trí mà thần tượng mang lại nhiều hơn.
Đây là “Thời đại hoàng kim” của văn hóa thần tượng khi mà chương trình Làn Sóng Xanh liên tục tạo ra những bài hit, lập nên khái niệm “ca sỹ của giới trẻ” và fanclub đầu tiên tại Việt Nam. Những nền tảng nhạc trực tuyến cũng góp phần kết nối những thế hệ ca sỹ mới đến gần hơn với giới hâm mộ giúp nâng tầm văn hóa thần tượng sang một chương hoàn toàn mới.
Lúc này hình ảnh của thần tượng trở thành hình mẫu đại diện cho nhóm fanclub, từ kiểu tóc, phong cách ăn mặc hay cử chỉ đặc trưng đều được giới hâm mộ săn đón cuồng nhiệt. Thế hệ 8x, 9x chắc chắn không thể nào quên được những cuốn sổ đầy những lời nhạc, sticker ca sỹ, hay kiểu tóc “bờm sư tử” đặc trưng một thời – chính là do phong trào văn hóa thần tượng thúc đẩy. Vì lấy thần tượng làm hình mẫu, sự ảnh hưởng về hình ảnh, thời trang và sự tân thời đã giúp phát triển nhận thức cho GenY rất nhiều.
Có thể nói, GenY chính là đại diện cho thế hệ gen 1 của văn hóa fandom đầu tiên tại Việt Nam, một thế hệ yêu nghệ thuật, chương trình giải trí và có những suy nghĩ cởi mở hơn với văn hóa ca nhạc vượt ra khỏi biên giới Việt Nam.
Thời kỳ di động thống trị – Văn hóa thần tượng tài năng
Thế hệ GenZ tại Việt Nam hiện nay có thể được xem là thế hệ thừa hưởng những gì tốt đẹp nhất của văn hóa thần tượng được xây dựng theo từng bước phát triển của đất nước. Với chiếc smartphone trong tay, GenZ Việt hoàn toàn có thể tìm hiểu tường tận được tiểu sử của bất kỳ ca sỹ, diễn viên yêu thích nào hoặc đem tài năng của bản thân đến với người khác mà không gặp bất kỳ trở ngại nào. Với thế hệ này năng động này, bất kỳ nhân vật nào mang danh thần tượng đều không thể nào qua mắt được họ nếu không có tài năng thật sự.
Nhìn vào những fanclub của GenZ ở Việt Nam, có thể thấy được rằng, họ hoàn toàn có thể quyết định số phận của thần tượng của họ nếu thần tượng có bất kỳ hành động nào không tôn trọng thành viên hoặc phát ngôn không chuẩn mực. Họ biết phân biệt đúng-sai và tôn trọng tài năng đích thực. Bên cạnh đó, nhờ sự định hình về văn hóa nghệ thuật của thế hệ đi trước, bản thân thế hệ GenZ cũng là một “hạt giống” tài năng, họ hoàn toàn có thể cảm nhận hoặc được truyền cảm hứng bởi thần tượng của họ, giúp họ tự tin tiến xa hơn những gì họ có thể làm được.
Thời đại smartphone có thể được xem là thời đại mà văn hóa thần tượng tại Việt Nam phát triển đến cực thịnh, văn hóa fandom kết hợp với văn hóa mạng, tạo ra một thế hệ người hâm mộ có dân trí cao hơn, lành mạnh hơn và giúp mở ra những khả năng mới cho các tài năng GenZ có thể phát triển bản thân hơn nữa.
Sống cùng thần tượng và bừng chất fan một cách chân chính là cái đẹp của văn hóa thần tượng của GenZ hiện nay trong thời đại smartphone.