Việc các thương hiệu game được phỏng thành phim luôn là tin mừng với nhiều game thủ. Tuy nhiên để tạo ra một sản phẩm đúng chất không là điều dễ dàng.
1. Không thể bê nguyên xi câu chuyện và nhân vật vào phim
Khác với những bộ phim điện ảnh, trò chơi điện tử là phương tiện được thiết kế để đem đến sự giải trí trong khoảng thời gian dài. Một tựa game tương đối ngắn nếu chỉ tính cutscene đã có thể kéo dài 3-4 giờ đồng hồ, trong khi các tựa game dài hơn có thể lên đến 8-10.
Với câu chuyện dài không thua gì một mùa của series truyền hình như thế, các nhà làm phim khó mà có thể tóm gọn xuống 90 đến 120 phút. Nếu tóm gọn xuống sẽ khiến cho nhịp điệu của phim bị gấp rút và cái kết thiếu thỏa mãn.
Chính vì điều này họ chọn nghĩ ra một câu chuyện cùng dàn nhân vật mới (series Resident Evil của Paul W.S Anderson, Doom: Annihilation) hoặc thay đổi nhân vật đến mức họ không có điểm chung nào với bản gốc ngoài trừ cái tên (King of Fighter 2010).
2. Không có chỗ cho gameplay
Vào năm 2007, đạo diễn Zack Snyder trong một cuộc phỏng vấn đã nói “Nhiều người muốn trò chơi điện tử được phỏng thành phim, nhưng quá trình biến trò chơi điện tử thành phim cũng giống như biến video khiêu dâm thành phim chiếu rạp vậy.
Giả sử có phim khiêu dâm này gồm hai nhân vật là cậu dọn dẹp hồ bơi và bà nội trợ. Bạn sẽ tạo ra một bộ phim gồm những cảnh họ trò chuyện với nhau và cắt hết mấy cảnh ân ái. Đó chính là kết quả của việc phỏng trò chơi điện tử thành phim”
Đại ý của Zack Snyder đó là dù cốt truyện quan trọng đến mấy, không có chỗ cho gameplay thì bộ phim cũng không thể trọn vẹn.
The Legend of Zelda: Breath of the Wild là một ví dụ. Tựa game này tuy có cốt truyện đơn giản nhưng gameplay hấp dẫn và đa dạng đến mức có thể khiến nhiều người chơi dành hàng chục giờ đồng hồ vào game.
Hitman chính là một ví dụ khác. Thương hiệu Hitman (và nhất là series World of Assassination) đã luôn nổi tiếng với việc cho người chơi tự do suy nghĩ và thực hiện cách ám sát. Điều này dẫn đến nhiều pha ám sát rất sáng tạo. Khi lên phim, Đặc Vụ 47 chỉ là một tay súng không hơn không kém.
3. Đạo diễn không phải là gamer
Do đặc thù của công việc, các vị đạo diễn thường không có nhiều thời gian để trải nghiệm trò chơi điện tử. Chính vì điều này họ khó mà có thể thể hiện cái hồn của trò chơi lên màn ảnh.
Thay vào đó, một số đạo diễn sẽ cố gắng tái tạo các phân cảnh nổi bật nhất trong game lên màn ảnh rộng, còn ngữ cảnh dẫn tới khoảnh khắc này thì không nhận được sự chú trọng.
Ví dụ trường hợp này đó là trong phim Resident Evil: Afterlife, phân cảnh Wesker đối đầu với Chris và Claire đã được bê nguyên xi từ game Resident Evil 5, kể cả lời thoại. Vấn đề ở đây đó là ở series game, Chris và Wesker đã có mối thù lâu năm, trong khi đó trong phim đây là lần đầu tiên Wesker gặp Chris, vì thế lời thoại của nhân vật này không hề có ý nghĩa gì cả.
Hơn nữa, một số đạo diễn vẫn tin rằng câu chuyện mà game muốn truyền tải không đủ để làm phim mà phải nhồi nhét thêm các yếu tố họ thích. Cụ thể hơn, đạo diễn Mike Newell (Prince of Persia: The Sands of Time 2010) đã nói: “Bạn không thể làm phim mà không có yếu tố drama giữa các nhân vật. Các trò chơi điện tử không thể làm được điều đó. Trò chơi điện tử chỉ có thể thể hiện những yếu tố đơn giản đại loại như: ‘Tôi là một kẻ xấu, tôi có một thanh gươm lởm chởm xấu xa’, nó không thể làm gì hơn thế.”
Và kết quả của Mike Newell là một bộ chỉ có 37% Rotten Tomato và khiến cho Jake Gyllenhaal phải cân nhắc việc chọn vai diễn trong tương lai. Có thể thấy vị đạo diễn đã không thành công.