Chính phủ vừa phê duyệt dự án xây dựng cơ sở sản xuất bán dẫn đầu tiên tại Việt Nam, với tổng mức đầu tư lên tới 12.800 tỷ đồng (khoảng 500 triệu USD).
Giai đoạn đầu của dự án dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2030, tập trung vào sản xuất chip chuyên dụng cho quốc phòng, trí tuệ nhân tạo (AI) và các ứng dụng công nghệ cao khác của Việt Nam. Dự án sẽ nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ thông qua nguồn tài trợ trực tiếp, bao gồm tối đa 30% tổng vốn đầu tư, giới hạn ở mức 10.000 tỉ đồng, cùng với các ưu đãi thuế.
Nhằm đảm bảo tiến độ và hiệu quả thực hiện, một ủy ban chỉ đạo đặc biệt do Thủ tướng Phạm Minh Chính đứng đầu sẽ giám sát việc triển khai và phân bổ nguồn lực cho dự án.
Cơ sở sản xuất wafer này là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn dài hạn của Việt Nam, nhằm xây dựng một hệ sinh thái nội địa cho thiết kế, sản xuất và thử nghiệm chip. Mặc dù khoản đầu tư hiện tại còn khiêm tốn so với chi phí thông thường của các nhà máy wafer tiên tiến, có thể lên tới 50 tỷ USD nhưng đây được coi là bước đi nền tảng để thu hút thêm đầu tư và chuyển giao công nghệ.
Việt Nam sẵn sàng bước vào kỷ nguyên bán dẫn
Để chuẩn bị, các quan chức chính phủ đã tham gia thảo luận với nhiều nhà sản xuất chip quốc tế lớn, bao gồm các công ty từ Mỹ, Hàn Quốc và Đài Loan như GlobalFoundries và Powerchip Semiconductor Manufacturing Corp, nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác. Hiện tại, Việt Nam đang quản lý 174 dự án liên quan đến chất bán dẫn, chủ yếu tập trung vào đóng gói và thử nghiệm chip với sự hiện diện của các công ty toàn cầu như Intel và Amkor.
Giai đoạn thứ hai của dự án, từ năm 2030 đến 2040, dự kiến sẽ đưa Việt Nam trở thành một trung tâm điện tử và chất bán dẫn toàn cầu. Kế hoạch bao gồm việc mở rộng lên ít nhất 200 công ty thiết kế, xây dựng hai nhà máy sản xuất chip và tạo ra 15 cơ sở đóng gói và thử nghiệm nhằm phát triển năng lực thiết kế và sản xuất độc lập.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm hạn chế về cơ sở hạ tầng, sự phụ thuộc vào công nghệ cao cấp nhập khẩu và cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ trong khu vực Đông Nam Á. Mặc dù dự án sản xuất wafer hiện tại có thể không ngay lập tức đưa Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu trong sản xuất chất bán dẫn nhưng đây được xem là bước đi quan trọng để xây dựng một hệ sinh thái bán dẫn bền vững, hỗ trợ cho các năng lực sản xuất tiên tiến hơn trong tương lai. Ngành công nghiệp bán dẫn, một trong những lĩnh vực quan trọng nhất thế giới, đang thu hút sự quan tâm đầu tư từ nhiều chính phủ, và Việt Nam đang nỗ lực để không bỏ lỡ cơ hội này.